Xuân trong Truyện Kiều 

- Trong tâm thức của mỗi người, mùa xuân là bắt đầu của một năm - mùa khởi đầu của cái đẹp, cái nhàn tản và hạnh phúc. Còn trong xuân trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được sử dụng trong nhiều tình huống, hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Mỗi lần từ “xuân” xuất hiện là một lần mang nét nghĩa riêng vô cùng sinh động, sâu sắc, khiến người đọc ngỡ ngàng, thích thú và cảm phục cái hay, cái tài của đại thi hào.

Chữ “xuân” được dùng để chỉ thời gian xuất hiện nhiều nhất (17 lần). Những biến cố chính của đời Kiều chủ yếu phát sinh và tập trung vào mùa xuân nên sự xuất hiện dầy đặc chữ xuân gắn với khoảng thời gian này như một tất yếu. Chữ xuân gắn với khái niệm chỉ thời gian cụ thể, được lặp đi lặp lại nhiều lần như: Ngày xuân, chiều xuân, đêm xuân. Nếu tách biệt ra khỏi câu thơ, khái niệm chỉ thời gian này mang tính đơn nghĩa, nghiêng về cách gọi, cách biểu đạt của văn nói. Nhưng đặt vào văn cảnh cụ thể của từng câu thơ, tính đơn nghĩa vốn có của khái niệm lại được mở ra thành đa nghĩa và mang những giá trị tu từ khác nhau. Khái niệm ngày xuân (cũng như các khái niệm chiều xuân, đêm xuân) không bao giờ bị sử dụng trùng lặp nghĩa với nhau.

Ấy là xuân trong bức tranh mùa xuân trong sáng và thanh khiết “Ngày xuân con én đưa thoi/Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.

Cũng dùng “xuân” để nói về mùa xuân còn có Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân (khi Kiều đi chơi tiết Thanh minh), Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng, “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn đông đà xuân sang”, hay Những là phiền muộn đêm ngày/Xuân thu hết đã đổi thay mấy lần, Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà (tả cảnh chiều xuân muộn), Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua (cảnh xuân chuyển sang hè).

Cũng là “xuân” nhưng Nguyễn Du đã hoán dụ để nói về tuổi trẻ: Ngày xuân em hãy còn dài” (Kiều nói với Thúy Vân), Hoa xuân đương nhụy ngày xuân còn dài. Hoặc dùng với hàm ý khác: “Sinh rằng: rày gió mai mưa/Ngày xuân đã dể tình cờ mấy khi/Sinh càng một tỉnh mười mê/Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân”.

Trong Truyện Kiều, “xuân” còn được kết hợp với một yếu tố khác để chỉ đấng sinh thành. Ví như chỉ thân phụ của Kim Trọng: “Liêu Dương cách trở sơn khê/Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang. Chỉ cha của Thúy Kiều:“Cỗi xuân tuổi hạc càng cao/Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành”;  chỉ Thúc ông: Rạng ra tỏ với xuân đường. “Xuân” còn dùng để chỉ hai đấng sinh thành: “Xuân, huyên chợt tỉnh giấc nồng/Một nhà tấp nập, kẻ trong người ngoài”, “Xót thay xuân cỗi, huyên già/Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi”. Hoặc Hạt mưa sá nghĩ phân hèn/Liều đem tấc cỏ báo đền ba xuân”.

“Xuân” còn dùng để nói về việc vui, tin vui: Tin xuân đâu dể đi về cho chăng, Xuân đình thoắt đã dạo xa cao đình; Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng; Vườn xuân một cửa để bia muôn đời; Vương, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày...

Đặc biệt, liên quan đến nhân vật Thúy Kiều, từ “xuân” được xuất hiện trong nhiều câu thơ, với nhiều nét nghĩa khác nhau. Có khi dùng để tả sắc đẹp của nàng Kiều Làn thu thủy, nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, hay ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi, hương xuân dễ khiến, nét thu dịu dàng...

Có khi được dùng để nói về độ tuổi Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê, Một chàng vừa chạc thanh xuân (chỉ tuổi Sở Khanh), hay Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương (nói về Đạm Tiên chết trẻ).

Khi Kiều bị rơi vào tay họ Mã, từ “xuân” lại mang nghĩa khác: Đêm xuân một giấc mơ màng/Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ. “Đêm xuân” ở đây không phải là đêm mùa xuân, mà là đêm động phòng hoa chúc, sau khi Kiều bán mình chuộc cha, lên xe về làm vợ Mã Giám Sinh. Hiểu theo nghĩa đặc biệt của “xuân” trong câu thơ trên, ta sẽ thấm hết nỗi đau của nàng Kiều trong cái đêm làm cô dâu bất đắc dĩ đầy buồn tủi ấy.

Cũng mang nghĩa ấy, nhưng “xuân” lại được Nguyễn Du cho xuất hiện hoàn toàn khác. Ấy là khi Kiều cầm dao tự sát nơi lầu xanh, tú bà vội lo thuốc thang, đợi nàng tỉnh lại, để dỗ dành sẽ không bắt tiếp khách nữa, mà sẽ tìm nơi tử tế để gả chồng cho nàng: Một người dễ có mấy thân/Hoa xuân đương nhụy ngày xuân còn dài/Cũng là lỡ một lầm hai/Đá vàng sao nở ép nài mưa mây/Lỡ chân trót đã vào đây/Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non.

Cuộc đời chìm nổi của Kiều khiến mỗi từ “xuân” lại đánh dấu một tình cảnh éo le rất đáng thương: Trước lầu ngưng bích khóa xuân/Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”.

Trúng kế tú bà, Kiều phải cúi đầu, nhận làm gái. Nhưng Mặc người mưa Sở mây Tần/Những mình nào biết có xuân là gì!. Lúc này, câu thơ miêu tả tâm trạng nàng Kiều “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” trong nhà chứa. Nhưng từ “xuân” còn như ngầm đánh giá cao phẩm cách của Kiều giữa chốn lầu xanh. “Nào biết có xuân là gì” cho thấy Kiều  vô cảm ngay giữa nơi mà bản năng con người sẵn sàng thức dậy, nên nàng như đứng riêng một chỗ cao hơn trong xóm nguyệt hoa.

Ngày xuân đọc lại Truyện Kiều, thấy 55 câu thơ với sự xuất hiện của 58 chữ xuân chứng tỏ thiên tài của đại thi hào Nguyễn Du. Mọi sự tả người, tả cảnh, tả tình, tả thế sự, suy cho cùng để lột tả một thân phận Thúy Kiều với cuộc đời chìm nổi. Ngòi bút thiên tài của đại thi hào đã biến hóa “xuân” thành nhiều nét nghĩa, vô cùng phong phú và tài tình để dựng lên một thân phận, qua đó thấy cả một xã hội. Từ đó càng thêm tự hào về Truyện Kiều, về Nguyễn Du, về tuyệt tác đỉnh cao nghệ thuật được mọi thế hệ người Việt và người yêu thơ trên thế giới yêu mến.

Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục